Chuyện ở vùng núi Bắc Giang quê tôi. Khi khu dân cư gần Thần Nông, xã Cẩm Lý (Lục Nam) đấu giá đất giáp núi, hàng trăm người từ xa đến mua, có người mua mấy chục hồ sơ.
46 lô đất được đấu giá đợt 1, sau khi đấu giá có tổng giá trị hơn 40,1 tỉ đồng, chênh lệch so với giá khởi điểm hơn 21 tỉ đồng. Với giá “trên trời” ấy, những người dân tại chỗ thực sự có nhu cầu khó mà tiếp cận.
Một phiên đấu giá đất khác tại khu đất ở và kinh doanh dịch vụ xã Nội Hoàng (huyện Yên Dũng), 45 lô đất (72-100m2) với giá khởi điểm 91 tỉ đồng đều có khách hàng mua với tổng giá trị 158 tỉ đồng. Lô thấp nhất trúng với giá 3,2 tỉ đồng, cao nhất là 5,4 tỉ đồng.
Cũng tại huyện Yên Dũng, cuối năm ngoái cuộc đấu giá quyền sử dụng đất khu dân cư mới Nham Sơn, thị trấn Nham Biền chỉ có 86 lô đất nhưng có tới hơn 3.000 hồ sơ đăng ký tham gia. Điều đáng nói là tổng giá khởi điểm gần 91,9 tỉ được bán với giá gần 211,5 tỉ đồng. Có lô có giá hơn 5,5 tỉ đồng, thấp nhất cũng 1,5 tỉ đồng.
Từ các phiên đấu giá đất khu quy hoạch tăng cao, đất thổ cư trong làng, trong ngõ ở các vùng lân cận cũng vọt lên và được thổi lên gấp nhiều lần, có nơi lên đến 50-60 triệu/m2. Nhiều lô đất chưa đủ pháp lý vẫn được thổi giá lên vù vù.
Giới “cò đất” từ đâu về xe lớn, xe bé đậu trước cổng làng, họ tụ tập bàn tán, tư vấn, môi giới và… phát giá rộn ràng cả miền quê. Những văn phòng bất động sản được dựng lên kiểu tạm bợ. Thêm vào đó là những đồn đoán, người địa phương chẳng biết chuyện gì đang xảy ra!
Nhiều người mua đất là thanh niên còn rất trẻ, mua đất dễ như mua rau, chẳng mặc cả, giá nào cũng “chốt” ngay. Có vuông đất bình thường khoảng 200 triệu nay bán tiền tỉ. Khi thấy hàng xóm bán cao giá hơn, vợ chồng, con cái tiếc của khóc đỏ hoe mắt mấy ngày liền. Hỏi về các thủ tục mua bán đất ấy thì được biết mới “đặt cọc”, người mua mới đặt trước vài chục, vài trăm triệu đồng, chưa hoàn thiện thủ tục sang tên bìa đỏ. Đến nay, đã có nhiều người mua bỏ luôn tiền cọc khi giá đất hạ nhiệt.
Quê tôi đâu có khan hiếm đất! Biết bao đồng bãi, ruộng vườn mênh mông thẳng cánh cò bay đã có người ở đâu! Cứ nghe có dự án khu công nghiệp quy mô lớn hàng trăm hécta, có đường vành đai chạy qua, có khu du lịch sinh thái tâm linh quy mô lớn… là giá đất theo thông tin đó tăng chóng mặt.
Nông dân, giáo viên, cán bộ, công chức, văn nghệ sĩ… ai rồi cũng có thể môi giới mua bán đất. Làng quê yên bình thành hỗn loạn. Nhiều người dân và chính quyền địa phương đều ngán cảnh cơn sốt đất ảo tạo bất ổn về an ninh trật tự.
Chính quyền tỉnh đã có giải pháp như công khai các kế hoạch sử dụng đất hằng năm đã được phê duyệt, chỉ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất ở cho hộ gia đình, cá nhân theo kế hoạch sử dụng đất hằng năm đã được phê duyệt. Văn phòng đăng ký đất đai tạm dừng việc cho phép tách thửa đất...
Cơn sốt đất trên địa bàn đã phần nào giảm hẳn, giá không còn nhảy múa như trước. Cơn sốt hạ nhiệt, vắng bóng người mua. Và người đang “ôm đất” đã mua giá cao đang nơm nớp nỗi lo sợ chẳng may bong bóng vỡ.