Giải chấp sổ đỏ là một trong những thủ tục bắt buộc mà người dân cần thực hiện khi muốn giao dịch mua bán/chuyển nhượng tài sản đang thế chấp tại ngân hàng. Vậy giải chấp sổ đỏ là gì, quy trình thủ tục ra sao và người dân có phải chi trả khoản lệ phí nào khi thực hiện giải chấp sổ đỏ hay không?
1. Giải chấp là gì?
Giải chấp trong tiếng Anh ứng với thuật ngữ mortgage release, nghĩa là giải trừ/xóa đăng ký thế chấp đối với tài sản đang được cầm cố để vay vốn tại ngân hàng. Hiểu một cách đơn giản, khi bạn cần vay ngân hàng một số tiền lớn thì sẽ phải thế chấp tài sản để bảo đảm cho khoản vay như sổ đỏ nhà, đất, xe máy, ô tô… Khi tài sản đảm bảo này được giải chấp tức là nó đã chấm dứt nghĩa vụ bảo chứng cho khoản vay. Còn trong trường hợp bạn không trả hết nợ đúng hạn thì ngân hàng sẽ phát mãi tài sản này để thanh lý trừ nợ.
Giải chấp sổ đỏ là gì?
Từ định nghĩa giải chấp là gì, có thể hiểu giải chấp sổ đỏ là giải trừ, xóa bỏ thế chấp đối với quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản gắn liền với đất. Khi ngân hàng nhận thế chấp sổ đỏ nhà đất, họ sẽ ghi trực tiếp hoăc đính kèm vào giấy chứng nhận này một tờ giấy ghi rõ: “Đã thế chấp quyền sử dụng đất cho ngân hàng… theo hợp đồng số…” (có đóng dấu của cơ quan có thẩm quyền). Trường hợp đính kèm giấy thì giữa tờ giấy này và sổ đỏ sẽ có đóng dấu giáp lai của cơ quan đăng ký đất đai. Do vậy, giải chấp sổ đỏ không đơn thuần là việc bạn trả hết nợ cho ngân hàng rồi lấy sổ đỏ về, mà còn phải thực hiện một số thủ tục tại cơ quan chức năng để xóa bỏ thông tin về việc thế chấp được ghi trong sổ đỏ nhà, đất.
2. Khi nào cần giải chấp sổ đỏ?
Người dân sau khi thế chấp sổ đỏ để vay vốn ngân hàng cần thực hiện giải chấp nếu rơi vào một trong các trường hợp sau:
– Muốn xóa thế chấp, trả hết nợ cả gốc lẫn lãi cho ngân hàng
– Muốn trả nợ trước hạn và rút sổ đỏ ra khỏi ngân hàng
– Muốn đổi tài sản thế chấp hiện tại (sổ đỏ nhà, đất) sang thế chấp bằng tài sản khác có giá trị tương đương
– Muốn vay vốn ở ngân hàng khác
– Muốn rút sổ đỏ để bán lại, chuyển nhượng nhà, đất.
Lưu ý, theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư trước khi bán căn hộ trong dự án đã thế chấp ngân hàng thì phải giải chấp căn hộ đó. Nếu căn hộ không được giải chấp thì hợp đồng mua bán giữa chủ đầu tư và khách hàng sẽ không có hiệu lực, phần thiệt sẽ thuộc về người mua khi mất tiền mà không có nhà. Do đó, người mua căn hộ trước khi xuống tiền cần tìm hiểu kỹ xem dự án đó có bị thế chấp ngân hàng hay không, nếu có thì phải yêu cầu chủ đầu tư cung cấp các giấy tờ chứng minh đã giải chấp căn hộ trước khi bán. Tránh trường hợp dự án đang thế chấp mà chủ đầu tư không có khả năng trả nợ ngân hàng, lúc đó căn hộ bạn bỏ tiền ra mua sẽ bị ngân hàng thực hiện phát mại.
3. Quy trình, thủ tục giải chấp sổ đỏ
Cơ quan có thẩm quyền giải quyết
– Cơ quan tiếp nhận hồ sơ giải chấp sổ đỏ: Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa
– Cơ quan có thẩm quyền giải quyết: Văn phòng đăng ký đất đai
Quy trình giải chấp sổ đỏ
Trước tiên, người có nhu cầu giải chấp sổ đỏ hay nói cách khác là xóa thế chấp quyền sử dụng đất cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau:
– Đơn yêu cầu xóa đăng ký thế chấp theo mẫu
– Văn bản đồng ý xóa đăng ký thế chấp của bên nhận thế chấp (nếu trong đơn yêu cầu xóa đăng ký thế chấp chỉ có chữ kỹ của bên thế chấp)
– Bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ)
– Văn bản ủy quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký thế chấp là người được ủy quyền
– Giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng không phải nộp lệ phí đăng ký thế chấp (nếu có).
Sau khi chuẩn bị đầy đủ những giấy tờ trên, bạn đem nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa. Cơ quan này sẽ tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ giải chấp sổ đỏ, nếu phát hiện có thiếu sót sẽ hướng dẫn bổ sung hoàn thiện cho người dân, trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ thì tiến hành xử lý và hẹn ngày trả kết quả. Thời gian thực hiện thủ tục giải chấp sổ đỏ là không. Lưu ý, trong quá trình thực hiện thủ tục giải chấp sổ đỏ, người dân có thể sẽ mất thêm một số lệ phí như tiền công chứng, tiền giải quyết thủ tục hành chính tại các đơn vị nhận hồ sơ…