Rắc rối vụ em làm giả sổ đỏ bán nhà chị gái

Hiền thuê người làm giả sổ đỏ nhà chị gái rồi ký hợp đồng mua bán đất, nhận đặt cọc 500 triệu đồng.

Hiền thuê người làm giả sổ đỏ nhà chị gái rồi ký hợp đồng mua bán đất, nhận đặt cọc 500 triệu đồng. Tuy nhiên, khi ra tòa, bị cáo phủ nhận tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như cáo buộc.

Đi công chứng, phát hiện sổ đỏ giả

Cuối tháng 7, TAND TP Hà Nội mở phiên toà xét xử với bị cáo Dương Thị Hiền (SN 1990, ở phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Miếng đất bị Hiền làm giả sổ đỏ để đem đi lừa đảo là của vợ chồng chị Dương Thị M., chị gái của Hiền.

Bị hại trong vụ án là hai anh em anh Đỗ Minh T. (SN 1974) và Đỗ Kiên Q. (SN 1978, cùng trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Bằng thủ đoạn tinh vi, Hiền đã lừa đảo, chiếm đoạt của hai anh T. – Q. số tiền 500 triệu đồng.

Theo cáo trạng, khoảng tháng 12/2020, do cần tiền tiêu xài và trả nợ, biết anh Q. có nhu cầu mua đất, Hiền gọi điện và nói muốn bán một căn nhà mặt đất diện tích 32,1m2 tại đường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm với giá 2,5 tỷ đồng.

Căn nhà mà Hiền chào mời là nhà đất của vợ chồng chị gái Hiền (chị Dương Thị M.). Sau khi nghe Hiền chào mời, anh Q. đã nhờ một người bạn chuyên làm nghề kinh doanh bất động sản đến xem nhà, đất.

Người bạn đã xem đất và ưng ý, nên anh đồng ý mua, đặt cọc số tiền 500 triệu đồng. Tuy nhiên, anh Q. yêu cầu Hiền cho xem Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) trước khi hai bên ký hợp đồng đặt cọc.

Ngày 23/12/2020, Hiền vào mạng internet, tìm và liên hệ với một người đàn ông để đặt hàng làm giả sổ đỏ giả với giá 8 triệu đồng. Hiền lục tìm được bức ảnh chụp sổ đỏ nhà chị gái lưu trong điện thoại.

Đây là hình ảnh chị gái Hiền chụp ảnh sổ đỏ cùng căn cước công dân, sổ hộ khẩu gửi để nhờ Hiền làm thủ tục tạm trú, tạm vắng cho gia đình.

Đến ngày 25/12/2020, Hiền hẹn gặp anh Q. để ký hợp đồng đặt cọc.

Do anh Q. đi công tác, nên anh Đỗ Minh T. – anh trai anh Q. đến ký hợp đồng thay em. Đến nơi hẹn, Hiền đưa cho anh T. sổ đỏ giả, thẻ căn cước công dân và sổ hộ khẩu mang tên chị gái mình. Anh T. đã ký hợp đồng đặt cọc mua bán nhà đất với Hiền và anh Q. đã chuyển khoản 500 triệu đồng cho Hiền.

Ngày 29/12/2020, hai bên đến Văn phòng công chứng Thủ đô ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì công chứng viên phát hiện sổ đỏ Hiền đem ra giao dịch là giả. Thấy vậy, anh Q. và anh T. yêu cầu Hiền trả lại tiền đặt cọc, Hiền không chịu trả nên hai anh trình báo công an.

Trả hồ sơ chờ điều tra bổ sung

Tại cơ quan điều tra, Hiền phủ nhận việc lừa đảo của anh Q., anh T. số tiền 500 triệu đồng. Hiền khai nhận, thông qua quan hệ xã hội nên quen biết anh Q.

Ngày 22/12/2020, Hiền gọi điện cho anh Q. hỏi vay tiền. Anh Q. đồng ý cho Hiền vay 1,6 tỷ đồng nhưng yêu cầu phải có tài sản đảm bảo. Vì cần tiền trả nợ gấp, nên Hiền đã làm giả sổ đỏ của vợ chồng chị gái và ký hợp đồng đặt cọc mua bán nhà đất đối với số tiền 500 triệu đồng anh Q. cho vay. Vì vậy, Hiền cho rằng số tiền 500 triệu đồng chỉ là Hiền vay của anh Q., chứ không phải là lừa đảo, chiếm đoạt.

Tuy nhiên, quá trình điều tra cho thấy, ngoài lời khai này của Hiền thì không có tài liệu khác chứng minh. Cơ quan công an cho rằng, không có căn cứ kết luận anh Q. cho vay tiền dưới hình thức phải ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Liên quan đến đối tượng mà Hiền thuê làm giả sổ đỏ, Hiền chỉ khai nhận là “một người đàn ông nói giọng miền Trung”, nên do chưa xác định được nhân thân, cơ quan điều tra tách tài liệu liên quan để điều tra, xử lý sau.

Tuy nhiên, sau thời gian xét xử, HĐXX nhận thấy do còn một số tình tiết chưa được sáng tỏ nên đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án.

Liên quan đến vụ việc, trao đổi với PV Báo Giao thông, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Đây là vụ án phức tạp, diễn biến tại phiên tòa cho thấy lời khai của bị cáo và người bị hại có mâu thuẫn và chưa được làm rõ nên tòa án quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung là có cơ sở, thể hiện sự thận trọng trong việc đánh giá chứng cứ.

Luật sư Cường phân tích, trong vụ án này, cơ quan điều tra đã khởi tố bị cáo về hai tội danh là tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức”. Trong đó, tội “Làm giả tài liệu con dấu của cơ quan, tổ chức” đã tương đối rõ ràng. Cơ quan điều tra đã thu giữ được sổ đỏ và tiến hành giám định, kết luận là giả.

Còn đối với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, cơ quan điều tra cần làm rõ mối quan hệ giữa bị cáo và người bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Cần làm rõ thủ tục mua bán, chuyển nhượng được thực hiện như thế nào? Vì sao bị hại lại biết bị cáo có nhu cầu bán thửa đất đó? Vì sao sổ đỏ không đứng tên của bị cáo, bị cáo không có ủy quyền của chủ mảnh đất, mà bị hại vẫn làm thủ tục mua bán, đặt cọc?

“Ngay cả việc bị hại khai có nhờ người đến xem nhà đất, cần làm rõ có việc đến xem hay không, nếu có đến xem xét tại sao chị gái bị cáo là chủ đất không biết? Bởi nếu như lời bị cáo khai là chính xác, thì đây bản chất là quan hệ vay tài sản.

Nếu là hợp đồng vay, người đi vay giả mạo để được vay nhưng chưa đến thời hạn trả nợ thì cũng rất khó để có thể quy kết là người đi vay chiếm đoạt tài sản. Việc giả mạo giấy tờ để được vay chỉ là vi phạm về mặt hành chính, còn gian dối để chiếm đoạt tài sản thì mới bị xử lý hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, luật sư Cường nói.

Nguồn: Cafeland.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *