Cho rằng lãi suất tiết kiệm ngân hàng thực tế sau khi trừ đi tỷ lệ lạm phát là quá thấp, anh Duy tiếp tục thăm dò kênh đầu tư bất động sản nhưng với tâm lý thận trọng hơn để không “tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”.
Anh Duy chia sẻ: “Tôi không ưu tiên gửi tiết kiệm ngân hàng. Vì theo tôi, chẳng hạn, nếu lãi suất tiết kiệm một năm là 7% nhưng tỷ lệ lạm phát là 4% thì thực chất lãi suất tôi được hưởng chỉ là 3%”. Mức lợi nhuận này theo anh Duy là quá thấp, không đủ bù chi phí cơ hội nên từ năm 2015, thay vì gửi tiết kiệm, anh tìm tòi các kênh đầu tư khác có lợi nhuận hấp dẫn hơn, nếu có gửi tiết kiệm thì chỉ để một khoản nhỏ phòng khi có việc gấp cần dùng đến.
Anh Duy cũng như số đông người Việt Nam khác, cho rằng “người đẻ chứ đất không đẻ” nên theo anh đầu tư đất sẽ có lợi nhuận hấp dẫn hơn. Do đó, anh Duy bắt tay vào tìm hiểu dần thông tin. “Chọn kênh đầu tư nào, tôi cũng lấy lãi suất ước tính trừ đi tất cả các loại chi phí, bao gồm cả những khoản mà nhiều người ít khi để ý đến như tỷ lệ lạm phát hay chi phí cơ hội…”, anh Duy nói thêm.
Năm 2015, anh Duy được môi giới giới thiệu cho một lô đất ở Mỹ Phước, Bình Dương nằm ngay trục đường lớn mới mở dẫn vào khu đô thị. Trước đó, anh đã có 2 lần đi xem và dự định mua đất ở khu Mỹ Phước nhưng đều không thành vì bên bán thay đổi ý định, không bán nữa và trả lại tiền cọc. Đã đi thực tế và biết về khu vực này nên khi môi giới gọi điện giới thiệu vị trí và giá cả, anh Duy hào hứng đi xem ngay. Giá bên bán chốt cứng không thương lượng là 435 triệu đồng.
Dù rất ưng lô đất này nhưng anh không thể đặt cọc ngay vì cần thời gian thu xếp tài chính. Sổ đất ghi diện tích mảnh đất là 300m2 nên anh Duy phải đợi thêm thủ tục tách sổ, do đó thời gian hẹn công chứng kéo dài đến 45 ngày. Rút kinh nghiệm từ hai lần trước, hợp đồng có ghi rõ điều khoản đền gấp đôi tiền cọc nếu bên bán đổi ý nên anh Duy cảm thấy yên tâm hơn phần nào.
Sau gần 2 tháng kể từ khi ký hợp đồng đặt cọc, quá ngày hẹn ra công chứng 10 ngày, anh Duy liên hệ với bên bán thì được giải thích là thủ tục tách sổ gặp vướng mắc nên vẫn chưa hoàn tất. Chờ đợi đến ngày thứ 80 mà vẫn chưa ra công chứng, anh Duy đã nghĩ mình không có duyên với buôn bán nhà đất nên quyết định đến đòi lại tiền đặt cọc. Nhưng sau khi đến bàn bạc với bên bán và cả môi giới, anh Duy được thuyết phục chờ đợi thêm một lần cuối cùng.
Cuối cùng sau gần 100 ngày từ khi đặt cọc, giao dịch mới được thực hiện. Sau 1 tháng làm thủ tục sang tên, anh Duy đến lấy sổ thì nhận được đề nghị mua lại lô đất, trả chênh 100 triệu đồng. Chưa có kinh nghiệm, gom góp vay mượn tiền để mua đất đến khi vừa nhận sổ đã được trả chênh 100 triệu đồng, anh Duy thật sự bất ngờ. Sau khi suy nghĩ, anh Duy chốt lời luôn để tìm cơ hội đầu tư khác ở Sài Gòn. Sau đó, vào năm 2017 và 2019, anh Duy lướt sóng thành công 2 lô đất ở vùng ven. Riêng có căn hộ hình thành trong tương lai đến nay sau gần 3 năm dù giá có tăng khoảng 30% so với giá anh mua vào nhưng nếu trừ đi chi phí cơ hội thì lợi nhuận cũng không đáng kể. Còn lô đất ở Mỹ Phước ngày trước giờ đã có giá 2 tỷ.
Hiện tại, với những kinh nghiệm đầu tư thực tế và dựa trên diễn biến thị trường hiện tại của các kênh đầu tư, dịch bệnh lại diễn biến ngày càng phức tạp, anh Duy xác định đã hết thời “lướt sóng” nhà đất. Bản thân anh cũng đã gặp nhiều trường hợp “mắc cạn” khi đầu tư lướt sóng trong thời điểm này. Thay vào đó, anh xác định sẽ đầu tư dài hạn, tìm mua những lô đất có giá dưới 1 tỷ đồng.
Chung quan điểm không nên đổ tiền vào nhà đất lúc này với hy vọng kiếm lời sau khoảng 6 tháng, với anh Duy, anh Mạnh – một nhà đầu tư khác chia sẻ thêm: “Việc lựa chọn kênh đầu tư nào phụ thuộc vào vốn kiến thức và độ mạo hiểm của mỗi người. Tuy nhiên, may mắn cũng chiếm một tỷ lệ đáng kể. Chẳng hạn, so với những nhà đầu tư bất động sản chẳng may đổ tiền vào dự án “ma” thì số lãi ít ỏi khi gửi tiết kiệm ngân hàng đã là quý báu, lại không phải lao tâm khổ tứ”.
Trước đó, nhiều chuyên gia nhận định dịch covid-19 đã xóa tan cơ hội đầu tư ngắn hạn, lướt sóng nhà đất. Riêng với những nhà đầu tư lướt sóng thời điểm hiện tại, ông Phan Công Chánh, Tổng giám đốc Phú Vinh Group đã nêu ra 3 bất lợi và là nguyên nhân chính khiến việc đầu tư thất bại.
Thứ nhất là dịch bệnh tác động mạnh đến tâm lý của các nhà đầu tư. Mới chỉ dần hồi phục sau đợt dịch lần thứ nhất chưa được bao lâu thì làn sóng covid thứ hai tiếp tục giáng xuống túi tiền và tâm lý của các nhà đầu tư.
Thứ hai là thanh khoản trên thị trường bị tắc nghẽn, thậm chí chặn đứng. Trên thị trường, giá vẫn cao nhưng mãi lực xuống thấp, đặc biệt là trên thị trường thứ cấp. Các nhà đầu tư có tâm lý giữ tiền mặt, phòng thủ.
Thứ ba là chu kỳ đi xuống của thị trường quá mạnh. Ông Chánh cho biết, thị trường bất động sản có tính chu kỳ tăng giảm đan xen nhau. Đỉnh chu kỳ là khi lượng giao dịch tăng đều đặn, tính thanh khoản cao, đôi khi có sóng nhẹ.
Vấn đề đáng quan ngại là nhiều nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm cho rằng thị trường luôn tốt. Thực tế, sau chu kỳ tăng nóng, thị trường sẽ có dấu hiệu đi xuống. Thời điểm này, nhà đầu tư lướt sóng, vốn mỏng rất dễ mắc cạn nếu không cảnh giác.
Trước đó, ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Việt An Hòa chỉ ra 4 chiếc bẫy mà nhà đầu tư không nên “liều”:
1. Bẫy lướt sóng Thời gian tới, thị trường có thể gặp nhiều khó khăn, không thể mua bán liền tay như những năm 2015-2018. Nhà đầu tư không nên lướt sóng để bảo toàn nguồn vốn. 2. Bẫy lãi suất thả nổi Những năm 2015-2018, nhà đầu tư vay tới 60% giá trị suất đầu tư vẫn thắng nhưng kịch bản này gần như không thể lặp lại trong năm 2020. Nếu phải vay ngân hàng, nhà đầu tư không nên vay quá 40% giá trị tài sản, tốt nhất là không vay. Chủ động tiền mặt sẽ giúp nhà đầu tư có suất đầu tư an toàn. 3. Bẫy đầu tư tất tay Nếu đang có sẵn vốn để đầu tư bất động sản, nhà đầu tư tuyệt đối không tất tay mà phải giữ lại ít nhất 30-40% tiền mặt để phòng thủ, sẵn sàng nắm bắt cơ hội bất ngờ. 4. Bẫy “ngáo giá” Với những bất động sản có giá bị thổi lên phi lý, nhà đầu tư không nên giao dịch vì sẽ khó có được lợi nhuận trong ngắn hạn. Để tránh rủi ro, nhà đầu tư không nên mua bất động sản có giá trị vượt quá khả năng chi trả. |